“TẤT CẢ VÌ DÂN PHỤC VỤ”

“TẤT CẢ VÌ DÂN PHỤC VỤ”

09:43 – 20/08/2022

Nhân kỷ niệm 77 năm Ngày truyền thống lực lượng Công an nhân dân (19/8/1945 – 19/8/2022), 17 năm Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (19/8/2005 – 19/8/2022), Thiếu tướng Trần Đức Tài – Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Công an TPHCM có bài viết: “Tất cả vì nhân dân phục vụ.

Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, Ban Giám đốc Công an TPHCM xuyên suốt thời gian qua đã quyết liệt chỉ đạo, lãnh đạo các đơn vị và toàn thể cán bộ chiến sĩ (CBCS) nâng cao tinh thần trách nhiệm, khắc phục khó khăn, phối hợp với các lực lượng có liên quan tổ chức thực hiện tốt công tác làm sạch dữ liệu và cấp thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chíp trên địa bàn thành phố. Công an TPHCM quyết tâm hoàn thành các chỉ tiêu công tác được giao, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp, yêu cầu các đơn vị, địa phương phải làm thực chất, tất cả vì nhân dân phục vụ…

Thiếu tướng Trần Đức Tài – Phó Giám đốc Công an TPHCM

Huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị

Thời gian qua và hiện nay, Ban Giám đốc Công an TPHCM thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc triển khai dịch vụ công trực tuyến của lực lượng Công an các cấp với phương châm nhanh nhất, mạnh mẽ, hiệu quả và quyết liệt nhất. Quyết liệt đẩy nhanh chuyển đổi trạng thái từ môi trường làm việc truyền thống sang môi trường điện tử, tiến hành số hóa các dữ liệu, nhất là để phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và mục tiêu chuyển đổi số trên địa bàn TPHCM. Về quan điểm chỉ đạo và mục tiêu tổng quát của Đề án 06 là huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương và sự tham gia của tổ chức, doanh nghiệp và người dân là yếu tố quyết định, sự hành động đồng bộ ở các bộ, ngành, địa phương là yếu tố bảo đảm sự thành công của chuyển đổi số.

Dữ liệu dân cư là tài nguyên quan trọng, được quản lý tập trung, thống nhất và chia sẻ trong toàn bộ hệ thống chính trị, phục vụ người dân, doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. Dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử là cơ sở để chuyển đổi số trong cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số. Dữ liệu dân cư là dữ liệu gốc, các cơ sở dữ liệu khác liên quan đến công dân đã, đang và sẽ xây dựng phải căn cứ vào dữ liệu gốc, có sự kết nối, chia sẻ, bảo đảm tiết kiệm, tránh lãng phí, tạo ra các giá trị mới, khuyến khích mọi nguồn lực xã hội để xây dựng, phát triển, thúc đẩy ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Người dân và doanh nghiệp là trung tâm của chuyển đổi số, lấy phát triển con người, bảo đảm và cải thiện dân sinh làm mục đích, minh bạch hóa và tăng cường sự tham gia của người dân, doanh nghiệp vào hoạt động của cơ quan Nhà nước. Người dân chỉ phải cung cấp thông tin, giấy tờ một lần cho các cơ quan Nhà nước khi thực hiện các thủ tục hành chính. Dữ liệu dân cư phải được khai thác, sử dụng hiệu quả nhằm thúc đẩy, phát huy trí tuệ, nguồn lực và sức mạnh quốc gia, phải gắn kết với năng lực quản trị Nhà nước, mang lại tiềm năng bứt phá của nền kinh tế, phản ánh giá trị văn hóa, lịch sử và trí tuệ toàn dân trong đời sống xã hội. Việc triển khai phát triển, ứng dụng dữ liệu dân cư phải gắn với mục tiêu làm giàu dữ liệu, tạo nền tảng cho hoạt động thực hiện chuyển đổi số trong xã hội.

Việc kết nối, tích hợp, khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phải gắn liền bảo đảm an toàn, an ninh thông tin trên môi trường số. Việc khai thác, ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, định danh và xác thực điện tử có ý nghĩa rất quan trọng, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội và chuyển đổi số quốc gia, mang lại nhiều lợi ích…

Tất cả vì lợi ích quốc gia, dân tộc và quyền lợi của người dân

Ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử, thẻ CCCD gắn chíp điện tử trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia một cách linh hoạt, sáng tạo phù hợp Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 để phục vụ 5 nhóm tiện ích, đó là phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến (25 dịch vụ công), phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, phục vụ công dân số, hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư và phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp.

Xác định tầm quan trọng, cần thiết của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và CCCD gắn chíp điện tử. Theo lộ trình của Đề án 06, các thông tin công dân sẽ dần được tích hợp trên thẻ CCCD gắn chíp điện tử, cùng với ứng dụng VNEID sẽ giúp người dân chỉ sử dụng duy nhất thẻ CCCD thay thế nhiều giấy tờ khác để thực hiện các giao dịch với các cơ quan Nhà nước, bảo đảm chính xác và thuận tiện. Hiện nay, Bộ Công an đã kết nối với dữ liệu bảo hiểm xã hội, công dân có thể sử dụng thẻ CCCD gắn chíp điện tử để khám bệnh bảo hiểm tại các cơ sở y tế.

Theo lộ trình, các thông tin về y tế, giấy phép lái xe, thẻ tín dụng, an sinh xã hội… tiếp tục được tích hợp để thực hiện các yêu cầu đa dạng của người dân trên các lĩnh vực. Ngoài ứng dụng nổi bật với thẻ CCCD gắn chíp, Công an đã thực hiện cấp thêm tài khoản định danh điện tử cho người dân thông qua cấp CCCD, điều này giúp gia tăng thêm tiện lợi cho người dân khi giao dịch dịch vụ hành chính công trên môi trường online, việc triển khai cấp tài khoản định danh điện tử cho công dân mang lại nhiều tiện ích thiết thực cho người dân khi thực hiện các dịch vụ công trực tuyến và các giao dịch điện tử.

Dữ liệu dân cư có ý nghĩa rất quan trọng để xác thực, kết nối các dữ liệu, khai thác phục vụ có hiệu quả các nhiệm vụ kinh tế – xã hội, hướng tới mục tiêu người dân chỉ khai báo thông tin một lần với cơ quan Nhà nước trong thực hiện các thủ tục hành chính, sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho đất nước, tất cả vì lợi ích quốc gia, dân tộc và quyền lợi của người dân, góp phần tiết kiệm, chống lãng phí, tạo thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp.

Khi được cấp tài khoản định danh điện tử sẽ mang lại những lợi ích cụ thể, như đối với công dân tạo công cụ để người dân có thể thực hiện các giao dịch trên môi trường điện tử đảm bảo tin cậy, chính xác, nhanh chóng, đơn giản, tiết kiệm, hiệu quả như thực hiện các giao dịch với phương pháp truyền thống (giấy tờ tùy thân, gặp mặt trực tiếp…). Tạo ra những công cụ thật sự thuận tiện, công dân có thể giao dịch ở mọi lúc mọi nơi, đặc biệt với những giao dịch thiết yếu nhưng vẫn đảm bảo được sự quản lý chặt chẽ, an ninh, an toàn thông tin, bảo mật dữ liệu, tránh giả mạo, giúp các giao dịch được an toàn. Tích hợp toàn bộ các giấy tờ vào tài khoản định danh điện tử giúp công dân giảm thiểu các giấy tờ tùy thân.

Chỉ cần sử dụng ứng dụng định danh điện tử quốc gia là có thể đảm bảo các thông tin về giấy tờ đã được tích hợp đầy đủ hiệu lực pháp lý để sử dụng thay thế giấy tờ vật lý truyền thống cũng như sử dụng trên môi trường điện tử. Tạo ra tiện ích giúp công dân có thể cung cấp, chia sẻ thông tin của mình với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thông qua quét mã QR code hoặc giải pháp kỹ thuật khác, đảm bảo nhanh chóng, thuận tiện, bảo mật, tin cậy. Xây dựng hệ sinh thái tạo ra tiện ích cho người dân trên mọi lĩnh vực như: dịch vụ công, dịch vụ thương mại điện tử, nền tảng thanh toán điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt và thay thế các loại giấy tờ của công dân trong các giao dịch điện tử.

Tạo dấu ấn trong lòng nhân dân

Qua công tác triển khai và thực hiện Đề án 06, cho thấy xuyên suốt thời gian qua đó là tinh thần tận tụy, sáng tạo, trách nhiệm của CBCS toàn lực lượng Công an TPHCM khi thực hiện Dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Dự án sản xuất, cấp, quản lý CCCD… Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã được triển khai quyết liệt trong năm 2021, dù chịu ảnh hưởng ít nhiều của dịch bệnh Covid-19, qua đó thể hiện sự nỗ lực lớn của Bộ Công an, Công an TPHCM thật sự tạo dấu ấn cho người dân, xã hội.

Nhìn lại dấu mốc này, trong 2 năm qua, có thể nói lực lượng CAND đã triển khai một cách bài bản, quyết liệt và nhiệt huyết để xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, kết hợp với sản xuất, cấp CCCD gắn chíp. Đây là những công việc chưa có tiền lệ, với khối lượng rất lớn và có nhiều khó khăn, trở ngại, nhưng với sự quyết tâm của toàn lực lượng, 2 dự án đã về đích đúng tiến độ, đúng cam kết của Bộ Công an với Chính phủ, người dân và xã hội.

Có rất nhiều bài học kinh nghiệm đã được rút ra từ chiến dịch này, từ công tác chỉ huy, chỉ đạo quyết liệt, sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ của các bộ, ban ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp, sự đồng tình ủng hộ của người dân… Nhưng điều đáng nhớ nhất, đó là tinh thần trách nhiệm và sự tận tụy, sáng tạo, cống hiến của hàng vạn CBCS Công an trên khắp mọi miền của cả nước nói chung và CBCS Công an TPHCM nói riêng đã và đang không quản ngày đêm, khó khăn, vất vả để thực hiện nhiệm vụ thu thập, cập nhật, chỉnh sửa dữ liệu dân cư, cấp CCCD… Tất cả đều cùng nhau thống nhất nhận thức, hành động, xem đây là “trách nhiệm và danh dự” của lực lượng CAND, để phục vụ nhân dân, phát triển đất nước trong thời kỳ mới.

Bộ Công an, Công an TPHCM đã nhận được sự chung tay góp sức của người dân và các doanh nghiệp. Đây là một trong những nội dung quan trọng để lực lượng Công an hoàn thành xây dựng Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Hệ thống sản xuất, cấp và quản lý CCCD. Có thể nói, người dân trên khắp cả nước và nhân dân tại TPHCM đã rất nhiệt tình tham gia cung cấp thông tin, tham gia làm CCCD không quản ngày đêm, ủng hộ, giúp đỡ lực lượng Công an hoàn thành nhiệm vụ. Các doanh nghiệp công nghệ thông tin như: VNPT, Tecapro, Gtel ICT… đã tư vấn và triển khai nhiều giải pháp công nghệ để bảo đảm nguyên tắc xuyên suốt của hệ thống là “hiện đại, đồng bộ, bảo mật cao, tránh lãng phí”. Đến nay, Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã được xây dựng bảo đảm theo đúng các tiêu chí đề ra, sẵn sàng cao nhất phục vụ người dân và xã hội.

Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, Ban Giám đốc Công an TPHCM đã quyết liệt chỉ đạo, lãnh đạo các đơn vị và toàn thể CBCS nâng cao tinh thần trách nhiệm, khắc phục khó khăn, phối hợp với các lực lượng có liên quan tổ chức thực hiện tốt công tác làm sạch dữ liệu và cấp CCCD gắn chíp trên địa bàn thành phố, quyết tâm hoàn thành các chỉ tiêu công tác được giao, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp, yêu cầu các đơn vị, địa phương phải làm thực chất, tất cả vì nhân dân phục vụ, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc triển khai dịch vụ công trực tuyến của lực lượng Công an các cấp với phương châm nhanh nhất, mạnh mẽ, hiệu quả và quyết liệt nhất.

Công an TPHCM quyết liệt đẩy nhanh chuyển đổi trạng thái từ môi trường làm việc truyền thống sang môi trường điện tử, tiến hành số hóa các dữ liệu, nhất là để phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và mục tiêu chuyển đổi số trên địa bàn thành phố.

Tạ Tùng/Opensky

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *