Nhà giáo, nhà thơ Vũ Đình Liên
15:53 – 09/08/2022
Sinh ngày 12 tháng 11 năm 1913 tại Hà Nội. Quê gốc: thôn Châu Khê, xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang tỉnh Hải Dương.
Từ trần ngày 18 tháng 1 năm 1996 tại Hà Nội.
Cử nhân Luật. Trước 1945 dạy học tại trường Thăng Long (cùng Đặng Thai Mai, Võ Nguyên Giáp). Một thời gian làm công chức tại Nha Thương Chính (La Douane) Hà Nội.
(Nguồn ảnh : Internet và « Kỷ yếu Khoa NN&VH Pháp – 50 năm xây dựng và phát triển »)
Thầy Vũ Đình Liên là một trong những người tiên phong của Thơ mới Việt Nam, chỉ bằng một bài thơ bất hủ “Ông đồ”. Lần đầu tiên, năm 1936, “Ông đồ” ra mắt độc giả trên báo Tinh Hoa. Năm 1941, bài thơ được chọn và đặt ở vị trí trang trọng trong cuốn “Thi Nhân Việt Nam” của Hoài Thanh – Hoài Chân.
Từ 76 năm nay, nói tới Vũ Đình Liên, người ta nói ngay đến “Ông đồ”. Chỉ với “Ông đồ” đã quá đủ tôn vinh nhà thơ. Chỉ với “Ông đồ”, Vũ Đình Liên sống mãi trên bầu trời thơ Việt Nam.
Thiên hạ nói nhiều về “hiện tượng” Vũ Đình Liên, người duy nhất trong Hội Nhà văn Việt Nam không có (không cần có) một tuyển tập thơ. Thế mà bao thế hệ người cầm bút, bao thế hệ học sinh, sinh viên ai ai cũng biết.
Người tài chỉ cần một lần lóe sáng!
Từ sau Cách mạng tháng Tám 1945 cho tới khi về cõi Vĩnh hằng, thầy Liên dồn hết tâm huyết cho sự nghiệp giáo dục. Những lúc thư nhàn, thầy làm thơ, chủ yếu để tặng bạn bè, tặng học trò, và… cho mình. Thầy dịch rất nhiều thơ của Baudelaire. Các bạn văn sĩ Pháp tôn vinh thầy là “Baudelaire của Việt Nam” và gọi vui thầy là Bô-Đờ-Liên.
Năm 1962, cùng với Quyết định thành lập Khoa tiếng Pháp, thầy Vũ Đình Liên được bổ nhiệm giữ chức Chủ nhiệm khoa (1962-1969).
Vì những công lao đóng góp cho sự nghiệp giáo dục, nhất là việc truyền bá tiếng Pháp từ sau 1945, thầy đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân đợt đầu tiên, năm 1991.
Cùng với danh hiệu cao quí ấy, Nhà nước tặng thầy 10 triệu đồng (lúc ấy là một số tiền không nhỏ). Với tấm long nhân ái, thầy đã trao tặng ngay toàn bộ số tiền ấy cho « Quỹ giúp đỡ học sinh nghèo ».
Nghĩa cử ấy thật cảm động. Càng xúc động hơn khi biết lúc ấy thầy vẫn là ông đồ nghèo. Tài sản không có gì.
Những người hàng xóm của thầy ở phố Trần Nhân Tông còn kể hàng năm, cứ sáng Mồng 1 Tết thầy ra phố, vào công viên, với cái túi, trong đựng bánh chưng, mứt, kẹo…và nhiều đồng tiền mới, thầy mừng tuổi cho những trẻ mồ côi, lang thang không nhà cửa.
Tình nhân ái của thầy là tấm gương, có lẽ, không chỉ cho các thế hệ học trò, mà cho mọi người, nhất là trong bối cảnh hiện nay.
Những năm cuối đời, dịp 20/11 nào thầy cũng về Trường về Khoa. Mái đầu bạc trắng, bước đi không còn nhanh nhẹn, nhưng giọng nói vẫn sang sảng, đôi mắt trìu mến nhìn các thế hệ học trò, thầy dặn dò chúng tôi: « Làm thầy phải luôn yêu đời, luôn lạc quan. Phải gương mẫu. Giáo dục hiện nay nhiều chuyện buồn. Các em không được “đóng góp” vào nỗi đau buồn ấy nhé. Phải làm cho, ít nhất là Khoa ta, Khoa Pháp của chúng ta là nơi hấp dẫn nhất, đẹp nhất ».
Thầy Vũ Đình Liên, thầy Chủ nhiệm khoa đầu tiên của chúng ta cách đây nửa thế kỷ như thế đấy.
Thế rồi, đầu năm 1996, thời điểm Tết Bính Tí đang đến gần, phố phường Hà Nội tràn ngập những hoa và hoa… cỏ cây đang đâm chồi nẩy lộc, người người đang hối hả sắm Tết thì trên một gác xép trong ngôi nhà cũ kĩ ở góc phố Bà Triệu – Trần Nhân Tông, thầy Vũ Đình Liên trút hơi thở cuối cùng để lại biết bao niềm thương, nỗi nhớ, sự ngưỡng mộ, niềm tin yêu…
Viết những dòng này, nghĩ lại những năm tháng đã qua, nhớ lại nhiều gương mặt của lớp thầy đầu tiên của Khoa và nhiều gương mặt sinh viên những tháng ngày ấy, nổi bật, giản dị, đôn hậu là ánh mắt, nụ cười của thầy Liên, thầy Vũ Đình Liên, thầy của rất nhiều thầy, thầy của:
Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu giấy đỏ
Bên phố đông người qua
…
Lá vàng rơi trên giấy
Ngoài trời mưa bụi bay…
Đinh Việt Bình
Sinh viên Khoa NN&VH Pháp khóa 1968-1973