KỶ NIỆM 50 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG C1, D26, F7 ĐƯỢC TUYÊN DƯƠNG ANH HÙNG LLVTND (20/12/1973-20/12/2023)

Chiều ngày 17/12/2023, tại Bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh, địa chỉ số 2, đường Lê Duẩn, Quận 1; TP. Hồ Chí Minh; Ban liên lạc truyền thống Đại đội Thông tin 1, Tiểu đoàn 26, Sư đoàn 7, Bộ Chỉ huy miền đã tổ chức họp mặt kỷ niệm 50 năm ngày Đại đội thông tin được Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tặng danh diệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Đến dự buổi họp mặt có 200 đại biểu nguyên là thủ trưởng, chỉ huy các đơn vị thuộc đại đội, tiểu đoàn, sư đoàn qua các thời kỳ, các anh hùng LLVT, thân nhân gia đình liệt sĩ, cán bộ, chiến sĩ, các cựu chiến binh từng công tác, chiến đấu tại sư đoàn đang sinh sống tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành trong cả nước.

Trung tướng Hoàng Văn Thái phát biểu tại lễ kỷ niệm

Tại buổi gặp mặt tại lễ kỷ niệm, trong niềm xúc động hân hoan, các cựu chiến binh của sư đoàn đã cùng nhau ôn lại chặng đường lịch sử vẻ vang trong suốt 50 năm chiến đấu và trưởng thành của Đại đội thông tin 1, Tiểu đoàn 26, Sư đoàn 7 anh hùng.  Các đại biểu đã dành phút mặc niệm tưởng nhớ các đồng đội đã vĩnh viễn không trở về, cùng nhau ôn lại những kỷ niệm một thời gian lao, ác liệt nhưng thật hào hùng nơi chiến trường.

Trung tướng Hoàng Văn Thái xúc động phát biểu: Sư đoàn 7 Anh hùng (Quân đoàn 4) là một trong những đơn vị chủ lực của Quân đội nhân dân Việt Nam đã tham gia chiến đấu anh dũng trên chiến trường. Dù trong bất cứ hoàn cảnh khó khăn ác liệt nào, cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 7 cũng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Những cựu chiến binh thuộc Đại đội Thông tin 1, Tiểu đoàn 26, Sư đoàn 7  nói riêng và Sư đoàn 7 nói chung vẫn luôn giữ vững và phát huy phẩm chất bộ đội Cụ Hồ, truyền thống của Sư đoàn, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng đất nước và địa phương ngày thêm giàu đẹp”.

Đồng chí Lê Minh Thư – nguyên cán bộ đại đội nói: “Đã 50 năm trôi qua, đây là dịp chúng tôi có được ngày hội ngộ như thế này. Gặp lại những đồng đội giờ vẫn mạnh khỏe, bình an và sống tốt là vui lắm rồi. Tôi chỉ mong gặp lại đồng đội để cùng nhau kết nối tiếp tục phát huy truyền thống phẩm chất, bản lĩnh Bộ đội Cụ Hồ, sống vui, sống khỏe, sống có ích để có những đóng góp cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày hôm nay”.

Bên cạnh cuộc gặp mặt tại lễ kỷ niệm tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân tại Bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh lần này, đại đội cùng tham quan “lại chiến trường xưa” thông qua các hiện vật, hình ảnh, tư liệu hiện vật tại bảo tàng; Đồng thời, Ban liên lạc truyền thống cũng tổ chức gặp mặt, tặng kỷ niệm chương đơn vị cho các cá nhân, tập thể đã thuộc đại đội thông tin 1, Tiểu đoàn 26, Sư đoàn 7.

Toàn cảnh lễ kỷ niệm tại Bảo tàng chiến dịch Hồ Chí Minh

Lịch sử Đại đội thông tin 1, Tiểu đoàn 26, Sư đoàn 7, Bộ Chỉ huy miền:

Vào ngày 13/6/1966, Sư đoàn 7- Mật danh Công trường 7 ra đời có nhiệm vụ: “Là sư đoàn chủ lực cơ động, đánh tiêu diệt nhiều đơn vị địch; đánh những trận, những đợt, những chiến dịch với hiệu suất cao. Đồng thời giúp đỡ lực lượng vũ trang địa phương, hỗ trợ phong trào đấu tranh chính trị, làm cho sức mạnh tổng hợp của cách mạng ngày càng lớn mạnh, góp phần đánh bại hoàn toàn cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ, mà chủ yếu là chiến trường Đông Nam Bộ – vùng trọng điểm số một trong toàn bộ chiến trường miền Nam”.

 

Lúc đó thông tin sư đoàn chỉ có có 1 đại đội thông tin sư đoàn 43 từ trung đoàn Bắc Sơn chuyển sang. Đến tháng 6/1967, khi sư đoàn tuyển quân xuống huyện Dương Minh Châu, Tây Ninh chuẩn bị cho các đợt tác chiến thì tiểu đoàn thông tin mới được thành lập, đó là tiểu đoàn 26. Tiểu đoàn 26 có 3 đại đội, đại đội 1 là thông tin đường dây được biên chế 100 cán bộ, chiến sĩ, gồm 3 trung đội; Với khí tài 40-50km đường dây bọc tác chiến và khoảng 60 máy điện thoại 0743, các loại vũ khí, trang bị khác. Từ đó, đã nhanh chóng ổn định tổ chức trang bị, đại đội đã cùng với tiểu đoàn đảm bảo cho sư đoàn bước vào hoạt động đầu tiên trong quá trình tác chiến. Từ đó, đại đội đã luôn bám sát các đơn vị, bảo đảm kịp thời thông tin liên lạc thông suốt cho chỉ huy tác chiến.

 Từ đó đến năm 1973, đơn vị làm nhiệm vụ phục vụ cho sư đoàn chiến đấu trên chiến trường Đông Nam Bộ và Đông Bắc Campuchia, tuy có nhiều khó khăn, ác liệt, trận chiến đấu nào bom đạn địch cũng đánh đứt đừơng dây của đơn vị hàng chục lần, nhiều lần địch chốt chặn hoặc không cho thám báo cắt đứt đường dây… nhưng cán bộ, chiến sĩ vẫn nêu cao tinh thần dũng cảm vượt qua mọi khó khăn ác liệt, tích cực đánh địch, bám máy, bám dây, theo sát đơn vị để phục vụ chỉ huy chiến đấu thắng lợi. Đơn vị đã rải 7800 lần km đường dây, nối gần 2000 mối dây bị đứt trong lúc địch đang đánh phá, chôn 175 km dây qua các địa hình trống trải, diệt 150 tên địch, bắt 5 tên, phá hủy 5 xe quân sự…, đảm bảo đường dây được thông suốt bí mật. Đơn vị đã được tặng thưởng 3 Huân chương Chiến công giải phóng hạng ba, 3 lần là “Đơn vị Thành Đồng Quyết Thắng”.

Ngày 20/12/1973, Đại đội thông tin được Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tặng danh diệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Ban Liên Lạc truyền thống tặng kỷ niệm chương cho Ban Giám Đốc Bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh và các đồng chí nguyên cán bộ thuộc Đại đội Thông tin 1, Tiểu đoàn 26, Sư đoàn 7.

Tạ Tùng  – Lê Duân

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *